Mẩu chuyện thứ 84
DÕI GÓT THEO THẦY
Mẩu chuyện này thuật lại chuyến hành hương trên núi TÀ-LƠN của ông Ngô Thành Bá tức Đài được ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ dắt đi. Mẩu chuyện này được chính tác giả (Ngô Thành Bá) viết và ông Dật Sĩ Trần văn Nhựt soạn lại, được in thành tập sách mỏng, nay chúng tôi xin được phép đánh máy nguyên văn vào trong những MẨU CHUYỆN BÊN THẦY hầu tránh sự thất lạc sau này.
LỜI NÓI ĐẦU
Mẩu chuyện “Dõi Gót Theo Thầy” đã được viết năm 1946, và nay được tái bản là do ý muốn của chư quý đồng đạo bốn phương. Riêng tôi, những ngày qua, mỗi khi nghĩ đến, lòng tôi chua xót vô cùng! Vì đây là một câu chuyện ngàn năm một thuở, mà tôi là một thí sinh đầu tiên phải dở dang trong cuộc thử lòng.
Giờ đây, câu chuyện này lần lượt đến với anh em đồng đạo là việc chìu theo ý muốn, chớ lòng tôi rất tiếc, nên không còn nghĩ đến thân danh, rất mong anh em đừng ngộ nhận tôi còn muốn cao vọng.
Tôi ước mong ai đọc qua nên suy nghiệm kỹ càng, vì đây là một tài liệu lịch sử xác thực có nhiều ẩn ý của Đức Thầy đã dạy tôi. Nếu nó được một chất liệu xông ướp tân hương cho chư quý đồng đạo sớm triển khai Phật chủng thì tôi cũng được đền ơn muôn một cho Tổ Thầy.
Để đóng góp vào công việc hoằng dương Phật pháp, và đáp ứng sự đợi chờ của đồng đạo, nên tôi cho tái bản quyển sách này.
Xin thành thật đốt nén hương lòng, nhờ hồng ân chư Phật hộ trì cho chư quý đồng đạo vững lòng tin Đức Thầy là Đấng Cứu Thế, rán lo tu hành để khỏi phụ công Thầy dạy dỗ; cũng được như lời Đức Thầy mong đợi.
Dõi gót theo Thầy nương Phật cảnh,
Vui vầy xem hội, Hội Long Hoa.
Nếu anh em đồng đạo tin câu chuyện nầy, thì anh em đồng đạo đã được đi như tôi trên miền sơn lãnh linh thiêng. Được vậy, tôi rất mãn nguyện.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Ngô Thành Bá, tức Đài
NGUYỆN ƯỚC ĐI NON
Mùa Thu năm Kỷ Mão (1939), Đức Huỳnh Giáo Chủ dẫn Đức Ông (thân sinh Đức Thầy) đi núi Tà Lơn để đảnh lễ chư liệt vị Thánh Tiên trên miền sơn lãnh linh thiêng này, đã cho Đức Ông biết linh cảm huyền diệu của chư sơn liệt vị.
Sau khi Đức Ông và Đức Thầy trở về làng Hòa Hảo, đồng đạo kẻ xa người gần tới viếng thăm và được nghe những sự kỳ diệu trên non.
Ai ai cũng ao ước được Đức Thầy dắt đi non một lần, vì Ngài cho biết ngài còn đi một lần nữa. Tôi muốn đi lắm, nhưng khốn nỗi không dám bạch với Đức Thầy. Tôi có cảm nghĩ nếu anh em đi được, thì có lẽ tôi xin Đức Thầy cũng cho. Lòng hoài vọng hằng mong đợi, nhưng còn giữ kín.
ĐẮC THÀNH SỞ NGUYỆN
Đến ngày 29 tháng Chạp năm Kỷ Mão (1939), tôi đến Tổ đình nghe Đức Thầy thuyết pháp. Đêm ấy, tôi được Đức Thầy bảo ở lại. Đến 9 giờ, Đức Thầy bảo tôi nhắc ghế ra sân. Đức Thầy ngồi nơi ghế, còn Hương Quản Diệp và tôi ngồi trên nấc thang gạch, trước nhà Đức Ông. Sau khi giảng giải đạo đức một hồi, Đức Thầy chỉ cho chúng tôi xem một điềm Trời xuất hiện (đó là sao Tử Vi).
Đức Thầy còn đoán biết sự lo lắng của tôi. Vì trong thời kỳ Đức Thầy chuyển pháp độ đời, thì bọn tay sai thực dân Pháp đang theo dõi để sát hại. Đức Thầy bảo tôi: “Đừng sợ”, và Đức Thầy còn nói thêm rằng: “Chừng nào hào quang trên cung trăng không còn chiếu xuống mặt đất, thì đạo của Thầy mới tan. Quyền uy thế lực chỉ vun phân tưới nước cho Đạo càng tốt thêm”.
Sau đó Đức Thầy hỏi tôi: “Mầy muốn đi non không?”.
– Bạch Thầy, tôi đáp lại, nếu Thầy xét thấy con đi được, xin nhờ ơn Thầy chiếu cố.
– Vậy thì hãy sửa soạn hành lý đặng ngày mùng sáu tháng Giêng (Canh Thìn) lên đường.
Ôi mừng nầy có mừng nào hơn! Có bút mực nào mà tả cho xiết sự hân hoan của tôi lúc ấy!
Đức Thầy vào nhà. Tôi lần gót theo sau. Ngài lên ghế bố nằm nghỉ và anh em đồng đạo nài nĩ xin Đức Thầy “Ca Tiên”. Đức Thầy vì lòng thương nên chìu theo ý muốn.
Tiếng ca rất u buồn não nuột, khiến nhiều anh em phải sa lệ. Ngài giác tỉnh những tâm hồn còn say mê trong danh, lợi, tình, hãy sớm quay về cửa Phật, nương nhờ phước lớn từ quang. Ngài trưng bày lý lẽ với nhiều chuyện ly kỳ biến đổi, cho biết tuồng đời sắp hạ, và ngày tàn hạ thế gian gần đây, chẳng kể sao cho xiết. Cuộc đời khốc hại đau thương sắp đến!…
Ôi, giọng điệu du dương khi trầm lúc bổng, khúc nhặc khúc khoan của Ngài đã làm cõi lòng tôi thổn thức rung động lạ thường! Thật Đức Thầy là một bậc kỳ tài trong thiên hạ, vì xưa nay tôi chưa thấy một nghệ sĩ nào có giọng hát lảnh lót, trong trẻo, và êm dịu như thế.
Chỉ với giọng nói ấy mà Ngài đã ban rải một nguồn ân vô tận, một bể ái vô cùng, để cảm hóa chúng sanh sớm hấp thụ những giáo lý cao siêu vô thượng.
Sáng ra, Đức Thầy cho anh em tín đồ biết, tôi được theo Thầy đi non. Nhiều người cùng xin đi, nhưng Đức Thầy trả lời không đặng.
KHỞI CUỘC HÀNH TRÌNH
Lật đật đến mùng sáu tháng giêng năm Canh Thìn (1940), Thầy tớ nhờ sự chở đi bằng xe đạp đến Vàm Cái Đầm. Sau khi đó cặp bến nhà máy Năng Gù (thôn Bình Mỹ), Thầy trò ở bên cạnh đường chờ xe. Một chập lâu có xe hơi chạy ngang qua, và ngừng lại. Thầy trò lên xe đi một mạch tới Châu Đốc. Đến tỉnh lỵ, phải sang một chiếc xe khác mới đi tới Tịnh Biên vào khoảng 3 giờ chiều, không còn xe đi Cần Giọt (Campot). Tôi nhớ lại có một người cô mua bán đồ cũ tại chợ này. Đức Thầy và tôi đến đó nghỉ nhờ một đêm. Người nhà đã từng nghe danh Đức Thầy, nhưng chưa có dịp thấy Ngài thuyết đạo. Nay tình cờ được gặp Ngài, ai cũng hết sức niềm nỡ đón tiếp. Kẻ gần người xa truyền tin nhau đến viếng Đức Thầy rất đông. Ngài đem triết lý cao siêu của nhà Phật ra giảng giải một hồi, và truyền thọ tam quy, ngũ giới cho mấy người. Tất cả mọi người đều tỏ lòng ái mộ sùng kính Đức Thầy. Tôi phải chép ra một loạt hơn 20 bài nguyện trao cho anh em đó.
Sau khi dùng cơm chiều, Đức Thầy khuyên anh em tín đồ ai về nhà nấy và rán xem kệ giảng để trau tâm sửa tánh, thực hành những lời Thầy dạy, không nên ở đêm tại đó đông đảo vì: “Đời Lang Sa thống trị phép nước nghiêm hình, Dân chúng nếu yêu thương sẽ có lắm điều hiềm khích”, và như vậy e sẽ có sự khó dễ cho Ngài và chủ nhà. Mọi người đều bái tạ ra về.
Trời chiều mát mẻ, Đức Thầy gọi tôi đi hứng gió. Thầy trước trò sau đi lần về hướng con đường Nhà Bàng độ gần cây số ngàn. Đến một nơi không nhà cửa, Thầy trò dừng chân trên một cái cầu sắt lót ván, tay vịn lan can cầu, mắt đăm đăm trông về núi Cấm. Đức Thầy không nói chuyện gì, dường như Ngài mật niệm (thời cúng chiều). Nửa giờ sau, Đức Thầy lấy ra từ trong túi tám đồng xu cho tôi. Tôi lẹ tay lãnh lấy mà không nghĩ ngợi gì cả. Thật là kẻ ngu khờ nầy theo Đức Thầy trên nửa năm rồi mà vẫn còn quá dốt nát về đường đạo, không hiểu rõ cơ huyền trong cử chỉ này và cũng không biết trong vật kỷ niệm (luôn luôn là quý báu) của Tôn Sư!
Ánh thái dương lần lần biến mất trong một góc trời xa vô tận. Ánh sáng lần lần nhường chỗ cho dạ thần. Đức Thầy và tôi trở lại nơi trọ hồi chiều để nghỉ ngơi.
MỘT ĐÊM THUYẾT PHÁP TẠI TỊNH BIÊN
Khi về đến nơi, có trên mười người tín đồ cũ ở Tịnh Biên đến chực sẵn trên lầu chờ Đức Thầy về đặng đảnh lễ Ngài. Không biết trong số mấy anh em tín đồ ấy, người nào đứng ra tổ chức sắp đặt mà có đủ nào bánh mứt, trái cây và rượu ngọt ê hề trên bàn. Bị một loạt khiển trách của Đức Thầy về sự xa xí này, các anh em ấy có vẻ cóm róm, sợ sệt. Vài phút sau, Ngài cất giọng thuyết pháp như chuông đồng ngân tiếng đại từ. Lời nói đầy sự yêu thương bác ái của Ngài ban rải ra như đám mưa ngâu làm vụt tắt những ngọn lửa lòng của người trần thế. Người chủ nhà (ông và bà chủ nhà với năm bảy đứa con) chen chút ngồi xung quanh để nghe chơn truyền chánh pháp. Đêm ấy, Đức Thầy nhiệt liệt đánh đổ những tà thuyết cùng những tập tục dị đoan do các manh sư bày vẽ. Sau rốt, Đức Thầy dùng ngọn đèn chơn lý đánh tan mùi tục lụy của các vị phú hào bấy lâu lặn lội trong bể lợi tình. Lối mười giờ khuya, Đức Thầy bảo các anh em về nghỉ. Ông chủ nhà sắp đặt cho Đức Thầy và tôi một chỗ sạch sẽ mát mẻ. Sáng ra là ngày mùng bảy tháng giêng năm Canh Thìn. Sau khi Đức Thầy dùng điểm tâm xong rồi, ông chủ nhà cho hay là xe Nam Vang vô tới.
ĐẾN MIỀN CẦN GIỌT
Đức Thầy từ giã chủ gia, tôi mang hành lý lên xe.
Xe qua bắc Tịnh Biên. Đến Gò Tà Lập (ranh giới Cao Miên), hành khách bị giữ lại để kiểm tra giấy thông hành; mười giờ trưa tới Sóc Mẹt (Tuc Méak) xe dừng lại để hành khách dùng cơm. Từ Sóc Mẹt đến Vung Trạch (Kompong Trach), xe phải trải qua nhiều khúc đường gồ ghề núi non chớn chở, với nhiều vườn tiêu mênh mông. Đến châu thành này, xe đậu nghỉ nãy giờ. Đức Thầy bảo tôi đưa cho Ngài ba cuốn Sấm Giảng (quyển 1, 2 và 3). Ngài đi chừng 15 phút. Khi Ngài trở lại, tôi hỏi Thầy đi đâu, thì Ngài trả lời: “Đem Giảng cho một người ở gần đây”.
Lối ba giờ chiều, xe đến Cần Giọt (Kampot), Đức Thầy và tôi vào quán dùng cơm, rồi sau đó đi quanh quẩn trong châu thành độ 15 phút để xem các sắc dân. Khách buôn là người Triều Châu và người Thổ. Phố phường chật hẹp, dơ bẩn. Tôi bạch cùng Thầy đặng mua bánh mì. Đức Thầy không cho. Ngài bảo tôi đi kiếm người quen. Thầy trước trò sau, lần theo các lộ đá đi qua cầu sắt bắt ngang con sông nhỏ mà bề rộng không quá 50 thước tây, do nguồn suối Tà Lơn đổ xuống. Qua khỏi cầu, theo con đàng ấy tiến về phía chơn núi, tôi để mắt nhìn xem và thấy có lắm Việt kiều lên đây lập cơ sở làm ăn.
GẶP NGƯỜI ĐỒNG ĐẠO
Khi qua khỏi ba gian lò gạch, cách đó hơn bốn cây số ngàn, Đức Thầy dẫn tôi vào một căn nhà cột săn lợp tranh, kiểu xưa và hơi thấp. Vô trong nhà, tôi thấy có một ông lão người Việt độ 70 tuổi, tóc bạc như bông bưởi. Đức Thầy xin ông lão cho tá túc một đêm. Ông chủ nhà vui lòng nhận lời. Lúc bấy giờ độ năm giờ chiều. Ông chủ nhà người nho nhã, dáng điệu hiền lương, lại ăn nói khoan thai, chậm rãi. Tuổi chừng ấy mà sức ông vẫn còn tráng kiện, đi thẳng lưng khỏi cần cầm gậy. Ông góa vợ đã từ lâu, và chỉ có một con gái ngoài 40 tuổi chưa có đôi bạn lần nào vì tấm lòng mộ đạo ham tu theo giáo lý nhà Phật. Bữa ấy, cô con gái của ông lão chủ nhà đã đưa người đi non đã ba hôm rồi. Đức Thầy nằm nghỉ. Tôi có ý tò mò vào cái am phía trước. Tôi thấy cách thờ phượng trang nghiêm và chỗ cúng kiếng có vẻ lộng lẫy, tinh khiết; mỗi bàn đều có trần điều xem chóa mắt. Thật là cảnh chùa nho nhỏ vậy. Tôi lấy làm ngạc nhiên lắm, vì Đức Thầy xưa nay chưa quen với ông lão này lần nào mà sao lại ghé đây “trúng tủ” một “phe” với mình. Tôi ước đoán có lẽ ông lão này theo tông phái Phật Thầy Tây An.
Tối lại ông lão công phu bái sám, tôi xin vào đảnh lễ Phật. Giờ lễ Phật đã mãn. Sau khi trà nước xong, ông lão khoan thai hỏi: “Hai chú có đi Tà Lơn lần nào chưa?”
– Không, nhưng đường này tôi có đi rồi trong tiền kiếp, Đức Thầy đáp lại.
Nghe vậy hình như ông lão bất bình. Vì làm sao ông lão lãnh hội được lời nói sâu xa của Đức Thầy! Ông làm thinh.
Đức Thầy dùng triết lý luận giải sơ lược về sự khai mở trực giác cho ông nghe. Hồi lâu, mùi đạo diệu phưởng phất thấm nhuần tâm trí, nên ông lão vui lòng nghinh thính. Lần hồi những người kế cận đến chơi, chừng năm sáu người; họ ngồi trên bộ ngựa bên cạnh, im lìm nghe …
ĐỌC GIẢNG ÔNG CỬ ĐA
Đức Thầy nói:
– Tôi có viết ít cuốn giảng, nay xin đọc cho quí ông nghe!
Đức Thầy vừa đọc thuộc lòng cuốn thứ 3 vừa giảng nghĩa. Khi dứt ai ai cũng tấm tắc khen hay chớ đâu dè Đức Thầy là bậc Thánh nhơn lâm phàm, dùng nguồn ân vô tận ban rải cho nhân loại bớt nỗi khổ đau bằng cách ăn ở hiền lành, phá chấp nhơn ngã để kịp bước trên con đường bát nhã, lánh chốn mê tân của đời nguơn hạ, và chờ ngày Long Hoa Đại Hội.
Ôi, cặp mắt phàm phu ở trong cái thân thể uế trược của đời ham mê vật dục làm sao dòm thấu bực liễu đạo siêu nhơn?
Đức Thầy hỏi ông lão:
– Ông có cảm nghĩ gì không về Sấm Giảng tôi đã đọc?
Nghiêm nghị, ông lão nhìn nhận đoạn đầu là của thầy ông, nhưng còn đoạn sau thì ông cho rằng không giống! Và còn trách Đức Thầy sao sửa giảng của Thầy ông?
Đức Thầy trả lời:
– Khi xưa ở sơn lãnh, thời cơ chưa đến nên phải viết như thế. Nay tuồng đời sắp hạ, cuộc trần biến chuyển rất nhiều, nên tôi phải thố lộ cơ Trời cho đời sớm hối cải ăn năn làm lành lánh dữ, sửa tánh răn lòng, mới mong Thiên Đình ân xá bớt tội căn mà được sống còn ở đời Thượng Nguơn Thánh Đức. Hơn nữa, tôi phải tùy theo trình độ và sự tiến hóa của nhân sinh mà canh cải cho thích ứng dân tâm mới đủ phương pháp độ đời thoát chốn mê tân vượt miền khổ hải.
Nghe qua, ông lão hơi phật ý, lặng thinh không nói. Đức Thầy phải dẫn giải những chỗ nhiệm mầu về đạo lý cho ông nghe. Một hồi mùi đạo vị tưới thấm lòng ông, nên ông vui vẻ trở lại, và kính nễ Đức Thầy nhiều hơn trước.
ÍT NHIỀU THÚ VỊ VỀ SỰ ÔNG HAI LƯƠNG TẦM SƯ HỌC ĐẠO
Ông lão chỉ mấy người và nói rằng: “Đây là con của các đại đệ tử của thầy tôi thuở xưa, mấy ông ấy đã theo Phật, nay chỉ còn một mình tôi.”
Ông lão vui vẻ thuật lại sự tầm sư học đạo của huynh trưởng ông là ông Hai Lương (1). Ông Hai Lương là đệ tử thứ nhứt của ông Cử, quê quán ở tỉnh Bến Tre. Thuở 20 tuổi, ông Hai là một nhà túc nho. Vì phát bồ đề tâm rất sớm, nên ông Hai từ giã cha mẹ anh em đi tu. Ông ra đi suốt 20 năm trời, bặt tin nhàn cá. Người nhà không biết ông tu ở non nào, động nào, còn sống hay đã chết, nên vẫn phải nhớ nhung thương tiếc. Nhưng còn chút may mắn, có một người ở trong tỉnh Mỹ Tho ghé nhà cho biết ông Hai vẫn còn sống và theo ông Cử ở Tà Lơn. Người mách tin này bằng lòng dẫn ông lão đi cho huynh đệ tương ngộ.
Ông lão tình nguyện đi đến nơi. Thế là huynh đệ hội hiệp, chi xiết vui mừng. Ông Hai thuật lại những nỗi khổ lao khi ông đi tầm sư học đạo. Từ “Bảy Núi” vượt đường qua Giang Thiền, lên Cần Giọt không còn tiền bạc trong mình, ông Hai phải làm thuê ở Cần Giọt trót tháng để kiếm tiền, mua thực phẩm rồi lần theo suối Cam Chại, tìm nơi thanh tịnh tu dưỡng hơn một năm trường. Ông Hai tự nghĩ: “Mình đã hy sinh tầm đạo, nếu không được minh sư khai sáng căn trí thì khó bề giải thoát.”
Ông Hai nguyện cùng các Đấng Thiêng Liêng dìu dắt ông gặp chơn sư để thọ giáo. Ông mới vượt non nầy qua đảnh nọ, đói ăn cơm khô, khát uống nước suối. Lúc bấy giờ quần áo rách tả tơi, đầu cổ u xù, ông lần theo kẹt suối, và thấy xa xa có một ông già xuống suối xách nước. Ông Hai tìm vào động đảnh lễ cầu đạo. Ông già ấy trả lời: Tôi cũng tu trì như chú chớ không hiểu mấy về con đường giải thoát. Ông Hai hết lòng cầu khẩn, nhưng ông già một mực từ chối. Ông Hai xin ở lại nấu nước và đỡ tay chơn cho ông trong những công việc nhọc nhằn. Ông già thấy ông Hai một dạ thành khẩn mới bằng lòng cho ở. Ở đây, hàng ngày ông Hai cuốc đất trồng khoai, tối lại công phu bái sám. Ông không thối chí ngả lòng, đặt trọn đức tin vào ông già ấy mà ông Hai cho là bậc siêu nhân mới có thể tu niệm lâu năm trên nầy. Ngót một tháng trường, chẳng thấy ông già chỉ dạy điều chi. Rồi sau đó, vào một đêm, ông già ấy kêu ông Hai lại gần, thuật rõ lý lịch của ông, chừng đó ông Hai mới biết ông già ấy là ông Cử Đa.. Từ đó ông Cử nhận ông Hai làm đệ tử và lần lược đem giáo pháp của Ngài đã sưu tầm mà chỉ dạy cho ông Hai. (Đây là tôi kể sơ lược chớ chuyện nầy còn dài lắm)
Ông Hai khuyên em ông tu. Ông nầy bằng lòng quy y và ở lại chơi ngót tháng mới về nhà đem vợ con ông lên non. Ông Cử nói: “Con có vợ ở tu trên non không được”. Ngài chỉ chỗ cho ông lão (em ông Hai) cất nhà gần chân núi. Sau ông Cử đăng Tiên thì chỗ ấy heo rừng phá rẫy, làm ăn không được. Ông lão bèn dời nhà về gần châu thành cho dễ bề sanh sống.
Đêm khuya gà gáy canh đầu, người người từ giã ra về. Đức Thầy và tôi nghỉ đây một đêm. Trời vừa rạng sáng, Thầy trò từ giã lên đường. Đức Thầy khuyên ông lão hãy bền chí trên con đường đạo hạnh, ngày sau sẽ gặp nhau một lần nữa, và sẽ được lắm điều vinh hạnh vui tươi.
(1) Theo quyển Thất Sơn Mầu Nhiệm: Ông Hai Lương tức ông Trần Bá Lương.
ĐỂ BƯỚC LÊN NON
Sau khi từ giã chủ nhà, hai Thầy trò xông bước dậm đường, đến tám giờ đến chơn núi, phía trong máng nước. Đức Thầy và tôi xuống suối tắm rửa, thay đổi quần áo, mặc lại bộ đồ dà. Đức Thầy dắt tôi theo con đường Cam Chại (đường đi non). Đường nầy thuở xưa khó đi lắm, sau nhờ cậu Hai Đống (Chủ chùa Điện Năm Căn, núi Xuân Tô) mướn người tu bổ nên có hơi dễ đi.
Đức Thầy và tôi đi trên một giờ đồng hồ. Đoạn Đức Thầy hỏi tôi:
Phía trước kia con đường này sẽ quẹo vào phía nào?
Tôi bạch không biết. Đức Thầy nói:
– Phía trước con đường này sẽ quẹo về tay mặt.
Tôi để ý coi trúng hay không, thì quả thật đúng như lời Thầy nói.
Trông về phía trước có hai người, Đức Thầy bảo tôi đi riết kịp họ đặng vầy đoàn đi cho có bạn. Tôi đi nhanh chơn theo kịp hai người nầy. Họ là người đi non thường nên đi chậm rải, không nôn nả như phần đông người ở dưới thế trần. Tôi nghe trong mình đã mệt vì buổi sáng không có dùng cơm, phần hai vai mang gói hành lý nặng lối 6 kí lô. Mỗi giờ dường như gánh nặng thêm vài kí lô nữa. Mình tôi mồ hôi chảy ra như tắm. Thấy vậy, Đức Thầy hỏi tôi:
– Bộ mệt lắm sao?
– Bạch Thầy vì đường dốc ngược, lại chẳng quen nên đi mệt quá! Tôi đáp lại.
Hai người bạn đồng hành bèn kêu Thầy và tôi lên tảng đá phía trước ngồi nghỉ cho khỏe rồi sẽ đi. Nghỉ được mười phút, Đức Thầy bảo tôi chia hành lý cho Ngài mang tiếp. Tôi chia cho Đức Thầy mang một cái mền và hai bộ đồ. Xong, ai nấy lên đường.
KHI ĐẾN TRUNG TÒA
Đúng giờ trưa đến Trung Tòa (có người gọi là Long Tuyền), hai Thầy trò dừng chơn để cho hai người bạn đồng hành đi trước. Tại đậy có hai kiểng chùa nho nhỏ, người tu đông đảo. Đức Thầy ngồi trên tảng đá gần bàn thông Thiên, tay chống càm, mắt ngó ngay vào chùa. Một vài nhà sư với gương mặt xanh men mét, đang dộng chuông gõ mõ thời trưa. Khi mãn thời cúng, các ông khoát áo tràng đã lần lượt đến chắp tay xá Đức Thầy và nói: “Xin chào hai huynh đi viếng non và cầu chúc hai huynh mạnh giỏi” Một nhà sư tuổi ngoài 50, râu dài đậm đuột, hỏi: “Hai huynh có đi non nầy lần nào chưa? Và có ai dẫn dắt không?”
– Chưa.
Đức Thầy đáp lại.
– Nhưng đây là kiểng cũ quê xưa của Bần đạo, nay tôi dẫn đệ tử tôi về viếng thăm.
Tôi để ý xem thì thấy lúc ấy gương mặt Đức Thầy đỏ hồng hồng. Đức Thầy bảo tôi làm lễ chư Phật, tôi vâng lời làm y. Đoạn Đức Thầy bảo tôi lấy ba cuốn Giảng (quyển 1, 2, 3) đưa cho nhà sư nầy, rồi từ giã ra đi. Khi chúng tôi đi xa chừng hơn trăm thước thì có một đạo đồng theo bảo dừng chơn lại.
Đức Thầy đứng lại. Chú tiểu nói: “Thưa hai huynh, Thầy tôi mời hai huynh trở về chùa nghỉ, đợi ít ngày huynh Hai đưa người đi non về sẽ đi cùng hai huynh, chớ nay hai huynh không biết đường sá, đi trên non này lải thì nguy lắm” (Lải là Lạc đường, người đi núi có tục không dùng chữ Lạc mà lại dùng chữ Lải). Đức Thầy bảo:
– Nhờ em trở lại nói với Thầy em rằng: Thầy trò ta cầu cho lạc chết bỏ xương trên núi nầy thì càng quí vô cùng.
Chú tiểu kia trở về. Thầy và tôi theo kịp hai bạn đồng hành hồi sớm.
LÊN ĐIỆN CÔ NHỨT … CAO VÂN
Đến đây con đường chia ra làm hai ngả: Một ngả về Minh Châu Điện, một về Cô Nhứt Điện; đường về Minh Châu đi vòng theo sườn non dễ đi; còn đường về Cô Nhứt gần hơn một phần ba đường đi Minh Châu, tôi cứ theo con đường của Đức Thầy chỉ mà tiến lên đỉnh núi. Thật là đầy đá gập ghình, bước đi muốn sụt lùi, mệt lả con người, mồ hôi như tắm. . .
Vào lối ba giờ chiều, Thầy và tôi đến điện Cô Nhứt. Thầy trò ngồi xuống nghỉ. Điện nầy nhỏ, không người tu chỉ có một lư hương.
Nghỉ khỏe rồi, Thầy trò lên đường. Từ đây đàng sá quanh co, nhưng bằng phẳng. Dọc đàng tiếng chim kêu “bắt trâu kéo cột”, nghe không dứt. Nhờ đàng dễ đi, nên năm giờ chiều, Thầy trò trổ ra lộ lớn (đường này người Pháp khai mở bề ngang trên bốn thước).
Tôi thấy một trại tù lợp thiếc, có năm bảy người lính, ít chục tù nhơn. Trại tù này dành để cho những tù nhơn vài ba tháng mãn hạn lên đây bứt mây. Đây là chốn cao nguyên bình địa, một khoảng đất mênh mông ngó mút con mắt, cây thưa, cỏ lông tượng mọc cao trên đầu gối, cát trắng phít …
Đoàn lữ hành từ giã ra đi. Quẹo về phía trái, theo lộ đá độ năm trăm thước, Thầy và tôi đến Cao Vân. Mọi người đều xem nước chảy và lấy cơm khô ra ăn, rồi thay đồ xuống suối tắm. Đoạn, tôi lên đèn đảnh lễ chư sơn liệt vị. Hai bạn đồng hành và Thầy trò chúng tôi lên đường. Theo lộ đá đi đến tối mò, chúng tôi cùng nhau leo lên một tảng đá cao khỏi đầu, mặt bằng vuông vứt cỡ bộ ván ngựa.
Đêm nay trăng rọi sáng gần như ban ngày. Trong cảnh màn trời chiếu đá ấy, chúng tôi chuyện vãn mật thiết lắm. Hai anh em đồng hành khui bầu tâm sự chứa đựng trên hai mươi năm. Hai anh ấy đã thất kỳ sở vọng, vì xuất gia hồi còn trẻ và kết bạn tu tại hòn Phú Tron hơn hai mươi năm rồi mà không được ấn chứng của chư Phật.
Nghe người ta đồn trên núi Tà Lơn một miền sơn lãnh tịch mịch, có nhiều đấng siêu nhân cao cả, nên họ chí dốc tầm sư học đạo. Hai anh nguyện lên non tầm cho gặp Phật, bằng không thì thề bỏ xương trên núi nầy chớ không trở xuống thế, dầu cọp beo có ăn cũng được.
Gương đại hùng đại lực hy sinh vì đạo của hai anh bạn nầy làm cho tôi vô cùng thán phục. Mấy anh nầy có hỏi Đức Thầy, Ngài không cho biết gì cả, chỉ nói đi non viếng điện.
ĐẾN CẢNH NGƯỜI XƯA
Lan thiên một cõi xa chơi,
Non cao đảnh thượng thảnh thơi vô cùng.
Hiu hiu gió thổi lạnh lùng,
Phất phơ liễu yếu lạnh lùng tòng mai.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Tứ vi mây phủ nhiễu đoanh,
Bồng lai một cõi, hữu danh chữ đề …
Sáng ngày mùng chín tháng giêng năm Canh Thìn, Thầy trò vẫn còn đi theo hai con đường nầy, đến “Ruộng Năm Giây” là mười giờ trưa, có con đường mòn đi tắt qua Bà Ngự nơi ông Cử được điểm đạo. Đến đây không còn đường mòn nữa. Đá đen như sắt, tòng bá lộn xen, cực kỳ xinh đẹp, quanh tới lộn lui kiếm không ra ngõ. Mười phút sau, hai người bạn đồng hành lạc đâu mất. Đức Thầy bảo tôi xuống suối nằm trên tảng đá nghỉ. Tôi quá thương hại hai anh bạn vô phúc kia, nên thỏ thẻ cùng Đức thầy: “Bạch Thầy, tội nghiệp cho hai anh ấy, xả thân tầm đạo mà nay bị lạc nơi này, ắt phải chết hết!”. Đức Thầy nói:
– Không sao đâu, chư vị Thánh Thần luôn luôn ủng hộ những bực nhiệt thành, kiên tâm lập chí trên đường giải thoát.
Đức Thầy dắt tôi đi xuống suối. Ngồi dưới bóng tùng mát mẻ, Thầy trò ăn bánh uống nước. Đức Thầy nói với tôi:
– Ngày sau Thầy phải xa bổn đạo một thời gian, trong thời gian ấy tín đồ phải chịu đau khổ và không một ai biết Thầy ở nơi nào. (Đức Thầy còn nói nhiều nữa, nhưng tôi không dám thuật lại hết vì sợ trái ý Ngài, vì Ngài có cấm, xin anh chị miễn lỗi cho.)
Đức Thầy nói tiếp:
– Bây giờ Thầy đi đàng rừng mầy có sợ không?
– Bạch Thầy, bây giờ Thầy đi ngả nào con đi ngả đó! Tôi đáp lại.
Khi băng qua suối, Thầy trò trổ ra đường mòn. Đức Thầy nói:
– Thử lòng mầy, chớ đường ở trong bàn tay Thầy.
Thầy trò nói nói cười cười, chẳng bao lâu đi đến một nơi gọi là “Châu Thiên”. Đây là một cảnh thiên nhiên cực kỳ xinh lịch, dành cho khách mộ đạo ham tu khi quá bước vào cảnh nầy thì có thể phủi sạch tâm phàm, vui say mùi đạo. Thật là một cảnh “Tiểu Bồng Lai Tiên Cảnh” vậy. Leo lên vồ đá dòm lại chơn trời chỉ thấy đá đen như sắt, guộn nổi những dòng tòng bá lộn xen, không cao không thấp, gốc đơm bông nước, bông dài như bông cà, có nắp dở ra, nước dùng ngon ngọt. . .
Từ trên vồ đá, dòm lại chân trời, chỉ thấy mỗi cõi xa xăm vô cùng vô tận! Những hòn đá lớn nhỏ ngổn ngang giống như bàn ghế người trần chưng dọn. Đây là hòn thấp, đó lại hòn cao, tròn vuông đủ cỡ. Trên mỗi hòn mặt bằng, có năm bảy hòn đá nhỏ như ghế ngồi. Tôi nói chỗ nầy có lẽ dành cho chư Tiên hội họp “ăn yến”. Đức Thầy tức cười. Tôi rắn mắc leo lên vồ cao, bị Đức Thầy rầy không cho.
Xem phong cảnh nầy độ nửa giờ, Thầy trò ra đi. Đến Tứ Gia Điện, mặt trời vừa chen lặn. Khi còn cách điện này lối trăm thước, Đức Thầy dừng chơn bảo tôi đừng nói chuyện. Tôi không hiểu vì sao. Nhẹ chơn vào điện, không thấy bóng người, chỉ thấy nào chén bát, tương cho nằm lểnh nghểnh trên bàn.
Đói quá, tôi bạch với Đức Thầy nấu cơm ăn. Sẵn có nồi nước, tôi hốt cơm khô để vào nồi, đun lửa nấu cơm. Cơm chín, tôi ngắt đọt lang luộc một dĩa lớn.
Thú thật tôi dùng cơm tại đây, ngon vô cùng, vì đã hai ngày rồi không có một hột cơm nào trong bao tử. Bữa cơm ấy tuy đơn sơ, nhưng thú vị trăm lần bữa tiệc dưới trần.
Điện nầy có bốn tảng đá, mỗi tảng dài không dưới 15 thước giao khích lại thành hình chữ thập, nên gọi là Tứ Giao Điện. Trong điện rộng rãi, hang hóc quanh co, có rất nhiều bàn án để thờ phượng. Tôi tò mò quyết kiếm cho được người tu chỗ nầy, nên rọi đèn sáp đi vào kẹt hóc, nhưng chẳng gặp một ai.
Đêm ấy Đức Thầy dẫn tôi lên nóc điện, bảo lên hương đèn cầu nguyện. Đức Thầy cũng cúng lạy, xong Ngài nói với tôi:
– Thầy đây chỉ lạy Phật Tổ thôi, kỳ dư các bậc khác Thầy được miễn.
Khi xuống điện, Thầy trò nằm trên tấm sạp bằng cau rừng, Thầy nói:
– Trên Trước dạy Thầy đem mầy lên non một tháng. Từ đây lên Lan Thiên, Trường Sanh, qua Nhị Hoàng, lên núi Tổ mới trở về.
Tôi thuở ấy quá khờ khạo và thiếu kém về mặc đạo đức, tánh còn nhiễm trược rất nhiều, ham sống sợ chết, không kiên tâm trì chí trước những khổ hạnh gian lao, lại còn bị lợi danh xô đẩy trong cảnh đời vật chất, ít thấy hẹp nghe, nên thốt ra những lời than này với Đức Thầy mà sau tôi cho là mình vô ý thức: “Bạch Thầy, đàng xa diệu vợi, còn phải giam mình trong chốn ma thiêng nước độc cực khổ vô ngần, thực phẩm kém khuyết, ăn không thể đủ mà đi đúng một tháng thì chắc đói chết, xin Thầy đi gần”.
Tôi để ý xem cảnh nầy là một cảnh thanh tịnh im lìm, không có một tiếng chim kêu vượn hú, thật là một cảnh hạp cho người muốn tham thiền nhập định để luyện khí dưỡng thần …
TRÊN ĐƯỜNG VỀ
Sáng ra là ngày mùng mười tháng giêng năm Canh Thìn, Đức Thầy bảo sửa soạn đặng trở về. Tôi hỏi Đức Thầy sao không đi nữa, thì Ngài trả lời:
– Ở nhà có việc lộn xộn.
Ấy là vụ Đạo Quốc, cầm đầu phong trào Đạo Trưởng chém người tế cờ ở chùa Long Châu gần Tân Châu.
Chúng tôi theo dõi con đường cũ trở về. Khi đi được hơn 600 thước, Đức Thầy nói:
Bây giờ Thầy trở về bằng đường rừng, mầy có sợ không?
Tôi đáp: Bạch Thầy, con ham lắm!
Đức Thầy chỉ cho tôi một vực sâu chừng mười thước và bảo tôi đi xuống. Tôi đang suy nghĩ vì bực đá hẳm lắm, làm sao xuống được. Bỗng thấy một cành cây đại thọ nhành lá sum sê, nhánh gie ra sát đá, tôi liền vịn nhánh chuyền vô cây tuột xuống được, lòng mừng khấp khởi, dòm lên bạch với Đức Thầy liệng đồ xuống cho tôi và mời Đức Thầy cùng xuống. Đức Thầy dẫn tôi vào một điện rộng lớn, ăn sâu vô đá, có hơi bẩn thỉu. Đức Thầy nói:
– Đây là nơi của quan Ngự Sử thuở cựu trào, sau Pháp thôn tính xứ Việt Nam, Ngài bất phục nên vào ở ẩn non nầy tu đến đắc đạo.
Đức Thầy bảo tôi lên hương đèn đảnh lễ, lúc ấy Đức Thầy nói một thứ tiếng bí mật với Ngài Ngự Sử.
NGƯỜI ĐÂU CHẲNG THẤY
“Sắc tức thị không, không tức thị sắc”
Xong, Đức Thầy cầm một khúc cây đi trước dọn đường, tôi lần bước theo sau. Khi đi theo triền lúc vượt lên đảnh núi, đến một nơi gần suối có ba tảng đá hình dạng như táo đất đội một hòn đá to tướng, khoảng trống giữa ba tảng đá rất lớn, đường đi trong đó dễ dàng. Tôi thấy có sạp bằng cau rừng bị lửa cháy tròn trèm, hư hết phân nửa, bên cạnh có một thùng thiếc bể, một giàn su lớn, dưới gốc có nước tưới còn ướt rượt, nhưng người đâu chẳng thấy. Tôi thưa cùng Đức Thầy: Bạch Thầy, ông nào tu ở đây chắc nghèo khổ lắm,, xin Thầy cho con kêu về đặng giúp chút ít tiền bạc. Đức Thầy nói:
– Đâu mầy kêu coi có không.
Tôi ra sức kêu thật lớn mà cũng chẳng nghe ai lên tiếng.
Đức Thầy và tôi đi một đổi xa, Ngài nói:
– Trên trước giả cảnh, cho có người ở, để mầy an tâm chớ không có ai tu ở đó cả. Tôi vẫn hoài nghi.
THỬ VÀO HANG CỌP
Thầy trò lần theo một con suối nhỏ vượt lên đỉnh núi khác. Đến một chỗ nọ, ở khoảng giữa núi, tôi thấy có nhiều khoảnh đất trống trải, không có cây cỏ, rộng lối 100 thước vuông, bằng thẳng, cát trắng, hơi sương còn đượm ướt đất. Thầy trò ngồi nghỉ, tôi trông thấy nhẩm dấu cọp đi. Đức Thầy hỏi tôi:
– Mầy muốn coi cọp núi không? Đây, mầy chun vào hang nầy sẽ gặp.
Bề trực kính hang nầy độ 8 tấc. Tôi chống tay xuống đất dòm vô hang. Trong hang tối đen, mùi hôi hám lạ kỳ, hơi phất vào mũi khó chịu lắm! Đức Thầy đứng sau lưng tôi, đẩy tôi vào và nói:
– Mầy chun vô đi!
Tôi sợ quá, dội ngược lại và bạch với Đức Thầy:
– Úy, Thầy ơi, coi kìa nhẳm dấu ÔNG THẦY trong hang tối nầy, “khềnh” con, vô không được đâu.
– Sao mầy nhát quá, Đức Thầy trả lời, cọp kêu cọp, tượng kêu tượng!
Ngồi nghỉ chỗ nầy gần nãy giờ, Đức Thầy bảo tôi chun vô hang cọp mãi, nhưng tôi không dám. Đức Thầy nói:
– Không chun vô thì thôi, ta hãy đi.
CÂU CHUYỆN SIÊU HÌNH
Qua khỏi hòn núi nầy đổ xuống triền, gặp suối khác, Thầy trò lần theo. Đến 10 giờ trổ ra cái suối thật lớn, có chỗ rộng cả trăm thước tây. Đức Thầy và tôi nhảy từ hòn đá nầy, sang tảng đá nọ. Có chỗ bằng thẳng, đi được, nhưng ít lắm. Nơi nầy có rất nhiều cây lớn cả ôm, tróc da còn lõi, ngọn găm xuống kẹt đá, gốc trở ngược lên trời. Tòng bá trốc gốc nằm lễnh khễnh. Có một tấm đá cản ngang suối, nước chảy xoi qua đá, lỗ lớn bằng cái nia. Đi qua suối nầy thường nghe tiếng chim kêu bắt lạnh mình, vượn hú không dứt tiếng.
Đến ba giờ, Đức Thầy dẫn tôi đi dốc ngược lên núi, bên tay trái vào ngay một cảnh điện tốt đẹp, xưa nay tôi chưa từng thấy. Trên điện nầy có tảng đá gie ra (mưa không tạt vào được), hình nấc thang tam cấp, mỗi cấp rộng trên 8 thước tây, đá đen láng, bằng thẳng, mặt đá hình phân tam cấp, ngang đầu đứng thẳng, mỗi cấp đều bằng nhau, rất sạch sẽ, gió thổi lòn vào mát mẻ lắm; cấp dưới có chạm nhiều bài thi chữ nho, tôi có chép đem về, sau làm mất bổn.
Đức thầy nói với tôi rằng những bậc siêu phàm nhập thánh vào ở điện nầy mới được. Ngài bảo tôi lên hương đèn đảnh lễ. Đức Thầy nói tiếng bí mật một lần nữa. Tôi không hiểu nên hỏi:
– Bạch Thầy, Thầy nói tiếng gì lạ vậy?
– Nói chuyện với các bậc Siêu hình. Đức Thầy đáp lại.
Đáng chú ý là đi theo suối nầy, Ngài thường nói mấy câu sau đây:
– Hỡi các vị Thánh Thần hãy theo Thầy xuống núi cứu thế trợ dân! Hôm nay Thầy đã lâm phàm rồi, sao các ông còn ở đây?
Từ giã điện nầy, Thầy trò trở xuống suối. Đi đến tối, Thầy trò lên tảng đá cao nằm ngủ.
GẶP CHÚA SƠN LÂM
Sáng ra ngày 11 tháng giêng năm Canh Thìn, Thầy trò còn theo ngọn suối lớn nầy. Nhiều bực đá cao độ 5, 6 thước, nước đổ xuống ồ ồ. Đức Thầy và tôi thay đồ đứng ngay giọt nước tắm. Trên non nầy có một thứ cá lớn bằng cán mác, hay bằng ngón chân cái thường ở theo chỗ nước đổ xuống. Khi tắm rồi, tôi ngồi buồn, và lấy cây đâm cá. Đức Thầy thấy vậy rầy lắm.
Đến một chỗ nọ, Đức Thầy đi trước tôi cách xa khoảng một công đất. Ngài dừng chơn lại chờ tôi đi tới. Khi vừa đến tôi gặp một con cọp xuống uống nước gần chỗ Đức Thầy đứng. Tôi hoảng hốt thiếu điều mất hồn, mất vía. Đức Thầy kêu tôi:
– Lại đây kiếm cọp, mùi nó bay khét quá!
Tôi nắm tay Đức Thầy và nói:
– Đi lẹ Thầy ôi, con thấy rồi.
– Thấy giống gì? Đức Thầy hỏi lại.
– Bạch Thầy, “ông thầy” xuống uống nước kia kìa, tôi đáp.
– Mầy thật nhát quá! Lên non sợ cọp, xuống núi sợ Thổ!
DỤNG CHÚT PHÉP MẦU
Đi đến mười hai giờ trưa, hai bắp chơn tôi sổ thịt cứng ngắt, nhức đi không nổi, bởi đã “tập thể thao về môn nhảy” gần một ngày rồi. Tôi bạch cùng Đức Thầy:
– Xin Thầy cho con đi tắt, chớ đi ngả nầy con đi hết nổi!
Đức Thầy dẫn tôi leo lên núi. Đi được nửa đường, tôi tối tăm mày mặt và muốn xỉu. Tôi ôm vào gốc cây và kêu:
– Bạch Thầy, con mệt quá! Không thấy đàng đi nữa.
Đức Thầy trở lại vuốt ngực tôi và đọc chú bằng tiếng bí mật. Tôi tỉnh lại. Đức Thầy cầm sẵn trong tay một thứ lá cây (giống như lá từ bi, dài và có chất ngọt), bảo tôi uống. Tôi vâng lời, vài phút sau tôi khỏe lại, thật là lạ thường!
RA SỨC DỌN ĐƯỜNG
Đường gai gốc thiên sơn vạn hải,
Dẹp cho rồi tướng bái đàn đăng.
Từ đây đàng sá hiểm trở, khó đi lắm! Đức Thầy ra sức dẹp đường cầm cây đánh vẹt gai gốc, có chỗ phải bò, có chỗ phải khòm, lắm lúc phải đi đàng tượng. Khi vượt lên đỉnh núi, lúc đổ xuống triền non, khi ở núi nầy, khi qua núi khác, (núi liền chơn). Đức Thầy dẫn tôi lên một ngọn núi cao tột bực, bằng phẳng, ít có cây mọc. Đây là một cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Trên non nầy có suối chảy chậm chậm nước trong như mắt mèo, dưới đáy suối có cát trắng, mực nước sâu chừng một thước tây. Đức Thầy đi trước lội ngang qua, tôi đi sau thấy có cây ngã nằm ngang nên đi trên thân cây nầy qua suối. Đức Thầy xem thấy, rầy tôi sao không lội dưới nước. Tôi trả lời:
– Bạch Thầy, cây ngã đi sướng quá, lội làm chi cho ướt mình! Đức Thầy bảo tôi:
– Thầy đi đàng nào phải đi dàng nấy! Cấm mầy không được đi như vậy nữa.
Sau nầy tôi mới hội ý, thấy rằng Đức Thầy muốn dạy tôi một cách gián tiếp hễ quy y thì phải làm y. Nghĩa là nếu Thầy phải chịu gian lao khổ hạnh để giải thoát giống nòi và nhơn loại thì đệ tử phải chịu cực khổ gian lao vì mục đích ấy chớ không được tìm nơi sung sướng an nhàn mà lo học đạo …
QUA CUỘC THỬ LÒNG
Trên non nầy mây thường phất qua lại, hơi sương lạnh vô cùng! Trong vào sắc da tôi thì thấy nó trắng đỏ. Thầy trò ngồi nghỉ trên một tảng đá. Đức Thầy ngồi hai tay ôm đầu gối, vẻ mặt buồn bã than với tôi rằng:
– Phen nầy chắc chết! Trên Trước dẫn Thầy với mầy đi đến đây rồi bỏ đi đâu mất. Mầy coi kìa! Bốn phía núi trùng trùng điệp điệp, biết ngỏ nào về cho được!? Hôm nay Thầy có chết thì cũng an thân vì không có gia đình sự nghiệp vợ con, chỉ thảm thương cho mầy có vợ con, gia đình sự nghiệp, mà hôm nay nghe lời Khùng Điên đến đây cho tuyệt mạng, gởi xương nơi chốn nước độc rừng sâu, nghĩ đến tức tối đau khổ biết chừng nào!
Tôi nghe nói phát sợ, dòm xem tứ hướng, núi non chớn chở muôn hòn. Nhưng tôi cũng cương quyết lên, bạch với Thầy rằng:
– Trên trước còn ở trong mình Thầy chớ đâu (lúc ấy tôi còn tưởng lầm rằng Thầy thượng xác cỡi đồng).
– Sao mầy biết? Đức Thầy hỏi.
– Vì Thầy mới nói tiếng âm đằng điện, tôi trả lời
– Tại miệng Thầy muốn nói.
– Miệng Thầy muốn nói thì nói được, tại sao con nói không được? Thầy nghĩ coi, núi nầy tuy lớn, nhưng con xét lại cơm khô ăn còn được ba, bốn ngày nữa, xin Thầy đi theo ngọn suối có lẽ một tuần lễ nữa cũng trổ ra. Còn lương thực nếu thiếu thì Thầy trò mình bứt lá cây ăn đỡ đói cũng được đôi ba ngày. Đức Thầy trợn mắt ngó tôi, và hỏi:
– Mầy chết, sao dám nói vậy! Chẳng qua Thầy nói để thử lòng mầy, chớ sự nghiệp của mầy chừng đôi ba ngàn đồng, gia quyến mầy chừng năm bảy chục người chớ bao nhiêu? Còn Thầy đây nếu có mai một đi rồi thì muôn triệu tín đồ trong buổi Hạ Nguơn nầy lấy ai mà dẫn dắt?. . .
Tôi được uống một thang thuốc bổ về tinh thần nên hơi vững lòng đôi chút.
AI DÁM LÊN VOI XUỐNG CỌP
Dù cho gặp lắm hùm beo,
Từ bi vẫn niệm quyết leo khỏi rừng.
Thầy trò lên đường. Tôi vấp đá máu tuông dầm ở đầu ngón chơn cái, đau nhức vô cùng. Đức thầy liền nắm ngón chơn cái tôi và dùng pháp mầu cầm máu liền hết đau nhức khỏi băng bó. Có lúc tôi bị gai đâm, Đức Thầy dùng huyền diệu mà trị hết liền. Đức Thầy nói:
– Thầy trò mình đi mấy ngày đã đuối chơn, để Thầy kêu hai con cọp đặng Thầy trò mình cỡi đi cho khỏe.
– Bạch Thầy, cầu xin “Trên Trước” che chở đi cho được bình yên, cỡi cọp làm chi, con sợ lắm! Tôi đáp lại.
Núi nầy loài tượng rất nhiều, phẩn tượng trây trét lên đất, có chỗ chúng đánh vùng còn mới ràng ràng, có lẽ là chúng mới bỏ đi nên cát còn dính lá cây ướt rượt.
Đức Thầy hỏi tôi:
– Mầy muốn cỡi tượng không? Để Thầy kêu nó lại, đặng Thầy trò mình cỡi, nó đưa đường cho mau.
Tôi cũng bạch như hồi nãy: “Bạch Thầy, cầu xin Trên Trước hộ độ đi cho yên ổn như vầy cũng được, con không dám cỡi tượng đâu! Con chỉ ước ao cho Thầy đem con đi gặp Phật, Tiên. Vì hôm nay đã bốn, năm ngày, đường sá sơn xuyên, cực khổ mà không gặp.”
Đức Thầy đáp:
Bực đế vương giàu sang phú hữu tứ hải và những kẻ có trăm ngàn bạc còn đi không được con đường nầy!
Tôi trả lời:
– Bực đế vương hay kẻ giàu sang có tiền họ đi máy bay, xe hơi ở thị thiềng sung sướng, chớ họ đâu dám hy sinh liều thân vào đây cho bỏ mạng!.
– Mầy có duyên lớn cùng Thầy nên Trên Trước bảo Thầy đem mầy đi non giải căn quả tu hành, mầy đi non với Thầy năm, sáu ngày, sau khỏi sa địa ngục năm, sáu tháng. Đức Thầy đáp
Thầy ôi, tôi đáp, giải căn quả gì mà cực khổ quá, con xin Thầy có giải thì để về dưới thế sẽ giải! (Lời nói của tôi ứng nghiệm thật. Sau khi về nhà, tôi đau từ ngày 20 tháng giêng cho đến mùng 4 tháng 5 năm Canh Thìn, gần chết).
MỘT CHUYỆN TIÊN TRI
Hết đảnh nầy, Thầy trò sang núi nọ, đến tối mò, Đức Thầy và tôi nằm dựa mé suối ngủ. Tôi hết sức buồn bực, âu sầu, lo ngại về đường đi, không biết bao giờ trổ ra khỏi núi. Đêm ấy, tôi đem cả tinh thần ra cầu nguyện “Ơn trên” đưa Đức Thầy và tôi về cho sớm. Nằm thao thức ngủ không được, đến ba giờ khuya, tôi nghe tiếng động rắc rắc (tiếng khua cây). Tôi sợ quá, kêu Thầy: “Bạch Thầy, giống gì đi nghe rắc rắc đàng kia kìa.”
– Đêm nay có Thần Bạch Hổ đến đây ủng hộ Thầy và mầy. Đức Thầy cho tôi biết như thế.
Nghe lời Đức Thầy, tôi yên tâm nằm ngủ được một chút thì có một vị Thần đến nói với tôi rằng mười hai giờ trưa ngày mai sẽ trổ ra lộ. Tôi tỉnh giấc bạch cho Đức Thầy hay. Thầy nói:
– Xế qua mới ra khỏi núi.
Sáng ngày 13 tháng giêng năm Canh Thìn, đường đi vẫn còn cực khổ lắm, phải đi băng ngang một trảng mây, gai dài cả gang tay, tàu lá lớn như tàu cau, nước ở đây lên nửa ống chơn, mặt nước váng thiệt vàng … Chơn nhờ có mang dép cao su, nên tôi dạn bước. Dọc đường gặp rùa núi quá nhiều, có con lớn và nặng cả yến.
Thật là huyền diệu, thật là linh thiêng cho chốn tiên cảnh; kể từ mùng 10 tháng giêng đến khi đi từ đường rừng trổ ra lộ, tôi gặp nhiều dấu vết lạ lùng, vì đi lối chừng một trăm thước thì thấy vài nhánh cây bằng tay cái mới chặt xéo, lá cây tươi xanh. Đức Thầy lượm đưa cho tôi một nhánh cầm coi. Tôi nhìn kỹ lắm. Vì còn nghi là tượng bẻ hay kẻ tu hành đi lâm sơn chặt làm dấu. Đức thầy cho biết:
– Đây là dấu hiệu của Trên Trước dẫn đường, Thầy cùng mầy đi theo sau!
Lúc ấy tôi chưa hoàn toàn tin tưởng như thế; mối hoài nghi vẫn còn đeo đuổi theo tâm trí nên mỗi đêm tôi hằng để ý nghe coi có tiếng chuông mõ chi không. Thì ra, đây là một cảnh thiên nhiên, yên lặng không có người nào để chơn đến được.
Phần tôi thì tôi đặt trọn đức tin vào Đức Thầy; về phần anh chị em tín đồ thì mỗi người đều có quyền tự do tín ngưỡng. Tôi xin thệ nguyện cùng chư vị Thánh Thần không bao giờ dám vọng ngữ bày điều huyễn hoặc để đem lại uy tín cho mình.
Đường đi gay go khổ cực (Đường gai gốc thiên sơn vạn hải), và quả thật như lời Đức Thầy đã nói, trời vừa xế qua, Thầy trò mới trổ ra lộ đá cách xa cây số phía trong đường Cam Chại.
Ngay từ lúc ấy, tôi có cảm tưởng Đức Thầy là một bậc siêu phàm, một đấng Cứu thế, tài năng xuất chúng, sáng suốt hơn người. Thật là ngàn năm một thuở, mới có phước duyên theo làm đệ tử của Ngài. Tôi tự nguyện cố gắng dồi mài tâm trí đề mau tiến bước trên đường đạo hạnh.
LẠI NÓI TIẾNG THỔ
Thầy trò lên lộ đi được một đổi xa xa thì gặp một toán tù Thổ đang sửa đường. Một người trong đám tù nầy “chà vá” với Đức Thầy và nói tiếng mẹ đẻ. Đức Thầy trả lời tiếng Thổ lanh lẹ và để tay bóp vào bụng tù nhân ấy.
Đi một đổi xa, tôi hỏi Đức Thầy nói chuyện gì hồi nãy. Đức Thầy đáp:
– Người Thổ đó xin thuốc đau bụng.
Được mục kích chuyện nầy, tôi càng đặt trọn đức tin vào Đức Thầy. Nhớ lại khi còn ở trên non tôi kể chắc phải lạc đường và có bạch với Đức Thầy rằng Thầy trò mình đi xuống núi nếu lạc vào sóc Thổ mà không biết tiếng Thổ thì làm sao hỏi đàng về? Đức Thầy nói:
– Thầy biết tiếng Thổ rành lắm.
Nhờ có dịp may nầy mà tôi mới biết Đức Thầy nói thật và mọi lời của Ngài là Thật.
Thầy trò về đến Cần Giọt là 6 giờ chiều, tôi bạch cùng Đức Thầy là để mướn phòng ngủ, Đức thầy không cho, bảo tôi đi kiếm xe chạy đường Châu Đốc mà gởi hành lý.
Đức Thầy dẫn tôi đi dùng cơm. Khi về đến chỗ xe đậu, anh giữ xe hỏi: “Hai ông phải ỏ Châu Đốc không?” Đức Thầy đáp:
– Phải.
Anh giữ xe hỏi tiếp:
– Hai ông có hay chuyện gì chăng? Tôi lẹ miệng hỏi anh chuyện gì. Anh giữ xe nói:
– Ông Đạo Quốc chém người, lấy đầu tế cờ ở Tân Châu bị Pháp bắn chết và đang bắt hàng ngàn người, hôm nay còn tiếp tục ruồng bắt khắp nơi những người bị tình nghi là tín đồ của ông Quốc.
Nghe qua như vậy, tôi lấy làm lo sợ. Đức Thầy nói với tôi:
– Mầy sợ lắm sao? Chẳng hề gì đâu!
BỬU VẬT CỦA ÔNG ĐÌNH TÂY
Ba giờ chiều ngày 13 tháng giêng năm Canh Thìn, Thầy trò về đến Nhà Bàng. Đức Thầy và tôi xuống xe vào quán cơm. Ông Hương Giáo Tập, người ở chỗ nầy, liền đến mời Đức Thầy về phố dùng cơm. Tối lại, bà nhạc của ông nầy mời Đức Thầy đến nhà cúng dường. Đêm ấy bà lão dâng dưa hấu cúng Phật (bằng cách để trái dưa trong một cái trã mới và dùng củi tinh khiết đốt trái dưa cháy ra tro, các cuộc đều để ngoài trời). Bổn đạo đến thăm Đức thầy rất đông.
Một cụ lão hỏi Đức Thầy:
– Bạch Thầy, xưa kia Phật Thầy Tây An ký cho ông Đình Tây những món gì, và hôm nay còn hay mất? (Nên biết ông Đình Tây là một trong 12 vị đại đệ tử được điểm đạo của Phật thầy Tây An. Sau khi Phật Thầy diệt độ, mấy ông ấy nối chí của Đức Phật Thầy cứu độ quần sanh, nên người người đều cảm mến, nhắc nhở công đức của mấy Ngài, Ông lão trên đây hỏi như thế là muốn thử Đức Thầy vậy).
Đức Thầy cười và đáp:
– Một cây mun và một sợi dây ngũ sắc. Hai món mất một.
Ông lão làm thinh. Một hồi lâu ông hỏi:
– Bạch Thầy tại sao mất vậy? (Lúc ấy tôi ngồi kế cận ông Hai Phổ và hỏi nhỏ ông, mất món nào, Ông nói mất dây chỉ ngũ sắc).
Đức Thầy đáp:
– Bởi kẻ giữ báu vật không biết tôn trọng mà lại hủy hoại nó, nên Phật thâu về.
(Sau lại nhờ ông Hai Phổ giải thích, nên tôi mới biết rằng cháu ông Đình Tây dùng sợi dây nầy đóng mũi bò đua xe, trừ ếm bùa phép của các nhà sư Cao Miên …)
Sợi dây nầy đánh bằng chỉ ngũ sắc cỡ đầu chiếc đũa ăn. Phải chăng đó cũng như “Khổn Tiên Thần” mà các chuyện Tàu thường nói là của học trò Tiên, thường dùng để bắt “yêu đạo” cũng như người ta nói Đức Phật Thầy Tây An ký cho ông Đình Tây để sau nầy bắt ông Năm Chèo.
Cần nói thêm rằng theo lời của anh em ở miền nầy thuật lại thì sợi dây ngũ sắc nói trên là một phép linh kỳ diệu; con cháu trong nhà ông Đình Tây có đau ốm thì người nhà cứ thỉnh dây ấy quấn vào cổ là hết bịnh. . .Nhưng tiếc thay cho kẻ điên rồ, say mê cờ bạc đã dám lợi dụng của Phật để cầu thắng cho cuộc đánh bạc (đua bò).
CÂU CHUYỆN PHÉP LINH
Ai ham linh theo nó tập tành,
Sa cạm bẫy khó mong sống sót.
Hết chuyện nầy đến chuyện khác, mọi người đều chăm chỉ nghe. Có ông bạn lại bạch với Đức Thầy như vầy:
– Bạch Thầy, mấy ông đạo trên núi thường luyện phép để sau nầy phò vua giúp nước; còn Đức Thầy sao không dạy đệ tử luyện phép như Tiên đạo?
Đức Thầy đáp:
– Đạo Phật chỉ dạy con người lo tu tâm sửa tánh cho được trọn lành trọn sáng, còn phù phép thuộc tà giáo. Còn ham phù phép tức còn nuôi óc cạnh tranh và cầu danh lợi, phép linh cũng như cá linh, nước vừa chớm giựt loại cá nầy đua nhau lên trước nên phải chịu chết sớm. Các ông đừng ham linh mà bỏ mình!
Đến 12 giờ khuya Đức Thầy từ giã về phố nghỉ.
ĐI NÚI TRÀ SƯ VÀ NÚI KÉT
Sáng ra là ngày 14 tháng giêng năm Canh Thìn, Đức Thầy dẫn tôi đi núi Trà Sư. Lên chót núi, Đức Thầy chỉ cho tôi một con đường (Nhà Bàng xuống Xà Tón), và nói ngày sau đến thời kỳ hổn loạn thế gian, thì con đường nầy thây phơi chật đất, máu chảy đầy đường. . .
Đến trưa Thầy trở về phố nghỉ.
Lối 4 giờ chiều, Đức Thầy dẫn tôi và anh em nơi đây (sáu, bảy người) đi núi Két. Khi đến sân Tiên, Đức Thầy ngâm cho ông Hương Giáo Tập viết bốn bài thi, và khi về nhà Đức Thầy còn nhớ và lập lại cho anh em chép.
Thi rằng:
Non Tiên gió mát toại lòng thay,
Tức cảnh thi văn nhả một bài.
Cố tưởng ước mong về nhược thủy,
Ngặt vì không cánh, lấy gì bay.
*
Dắt xác phàm phu viếng non đoài,
Hỏi nhờ đá cục ngủ đêm nay.
Chư sơn Bảy Núi đồng quy tụ,
Thầy tớ cảnh Tiên rõ mặt mày.
*
Nhìn xem cây cỏ gió lung lay,
Sáng lại lui chơn trở gót hài.
Vậy hỡi Chư Thần mau nối gót,
Theo Thầy dắt chúng khỏi nồng cay.
*
Lầu đài Núi Cấm lộ nay mai,
Thức tỉnh chúng sanh mới trổ tài.
Khuyên dụ dân tình minh đạo đức,
Tu hành được thấy cảnh Bồng lai.
Sau cuộc thám hiểm hành hương trên núi Tà Lơn và sau mấy năm khói lửa trên đất nước Việt Nam, tôi đinh ninh rằng cuộc đi non nầy là tượng trưng những phút kinh hoàng gian lao mà Đức Thầy và các tín đồ của Ngài phải trải qua trong thời kỳ ly loạn để đến ngày huy hoàng của đất nước.
LỜI PHỤ THÊM
Để cho bạn đọc có một ý niệm về sự giống nhau ở đoạn đầu cuốn Giảng của ông Cử, nhan đề Lan Thiên và cuốn Giảng thứ ba của Đức Thầy nhan đề Sám Giảng (xem lại trang 37). Chúng tôi xin trích đăng dưới đây hai đoạn Giảng ấy:
LAN THIÊN
Lan thiên một cõi chép chơi,
Sơn cao đảnh thượng thảnh thơi vô cùng.
Hiu hiu gió thổi đậm đùng,
Phất phơ liễu yếu lạnh lùng tòng mai.
Mùa xuân tới cảnh lầu đài,
Tháng giêng mười chín thi tài hùng anh.
Tứ vi mây phủ nhiễu đoanh,
Bồng lai một cõi hữu danh chữ đề.
Kể từ Phú Quốc mới về,
Long thoàn lên ở dựa kề hai năm.
Dạo chơi mấy điện tri âm,
Tỏ lời sau trước mấy năm phản hồi.
Phận mình trong sạch đã rồi,
Đào Tiên tạm thực về ngồi cõi xa.
Dương trần còn gọi Cử Đa,
Cõi Tiên chữ đặt hiệu là Ngọc Thanh.
Ngày ra chơi chốn rừng xanh,
Tối về kinh kệ cữi canh mặc người.
SẤM GIẢNG
Ngồi trên đảnh núi Liên đài,
Tu hành tầm đạo một mai cứu đời.
Lan Thiên một cõi xa chơi,
Non cao đảnh thượng thảnh thơi vô cùng.
Hiu hiu gió thổi lạnh lùng,
Phất phơ liễu yếu lạnh lùng tòng mai.
Mùa xuân hứng cảnh lầu đài,
Lúc còn xác thịt thi tài hùng anh.
Tứ vi mây phủ nhiễu đoanh,
Bồng lai một cõi hữu danh chữ đề.
Kể từ Tiên cảnh Ta về,
Non bồng Ta ở dựa kề mấy năm.
Dạo chơi tầm bực tri âm,
Nay vì thương chúng trần gian phản hồi.
Nghĩ mình trong sạch đã rồi,
Đào Tiên tạm thực về ngồi cõi xa.
Phong trần tâm đã rời xa,
Ngọc Thanh là hiệu ai mà dám tranh.
Ngày ra chơi chốn rừng xanh,
Tối về kinh kệ cữi canh mặc người.
PHỤ CHÚ:
Sở dĩ trong bản nầy hay bản trước tôi có dùng chữ mà Đức Thầy gọi tôi là MẦY, xin chư qúy đồng đạo cảm thông nơi đây, vì trước kia Đức Thầy đã gọi tôi như thế. Cho đến ngày nay tôi cũng không biết lấy chữ gì mà thay thế vào chữ đó cho nó hợp tình hợp lý.
Chúng tôi vẫn biết Đức Tôn Sư kính mến của chúng ta là đấng trọn lành trọn sáng thì lời lẽ hoàn toàn trong sạch.
Theo sự hiểu biết thiển cận của tôi, là vì ở nhà tôi có bà con với cố Đức Ông. Trước kia tôi kêu cố Đức Ông bằng Bác, Đức Thầy gọi tôi như vậy, tôi không biết có phải như vậy không? Không phải nơi đây mà có tiếng nói đó. Và tôi xin kể một mẩu chuyện sau đây:
Một ngày nọ tôi ngồi viết Giảng để in.
Đức Thầy đứng sau lưng tôi hồi nào không hay, và Thầy nói:
– Viết cho kỹ nó mầy, trật một chữ giảm một kỷ!
Tôi đứng dậy nói:
– Bạch Thầy, cái gì mà dữ vậy?
– Kinh! Đức Thầy nói.
Kính thưa quý vị đồng đạo, tôi cũng hiểu lề lối xưng hô của Đức Thầy rất khiêm tốn, nhưng vì trường hợp của tôi mắc trong cảnh ngộ đó, giờ đây tôi không biết nói làm sao hơn.
Mong toàn thể chư quý đồng đạo lượng thứ cho.
Nam Mô A Di Đà Phật!