Pháp luật về đăng ký, quản lý hộ tịch có quy định khác nhau về việc xác định thông tin quê quán của công dân trong Giấy khai sinh theo từng thời kỳ. Do đó, dẫn đến có những trường hợp thông tin về quê quán của cha, mẹ, con; anh, chị, em ruột trong cùng một gia đình không giống nhau.

Trường hợp công dân được đăng ký khai sinh theo quy định của Điều lệ hộ tịch năm 1961 của Hội đồng Chính phủ và Thông tư số 05-NV ngày 21/01/1961 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành Điều lệ hộ tịch thì không có thông tin về quê quán. Trường hợp công dân đăng ký khai sinh vào thời điểm trước ngày 01/4/2006, thì việc thực hiện đăng ký khai sinh được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 của Chính phủ về đăng ký hộ tịch và Thông tư số 12/1999/TT-BTP ngày 25/06/1999 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 83/1998/NĐ-CP.  Thời điểm này, việc xác định quê quán trong giấy khai sinh được hướng dẫn tại biểu mẫu giấy khai sinh TP/HT-1999-A.2 được ban hành kèm theo Quyết định số 1203-QĐ/TP-HT ghi mục “Quê quán”: “Ghi theo nơi sinh trưởng của cha đẻ; nếu không rõ cha đẻ là ai, thì ghi theo nơi sinh trưởng của mẹ đẻ; trong trường hợp không xác định được cha, mẹ đẻ, thì để trống”. Từ ngày 01/4/2006 đến 01/1/2016, Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính Phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch, mục “quê quán” trong giấy khai sinh được hướng dẫn xác định theo quy định tại Tại điểm e mục 1 phần II Thông tư 01/2008/TT-BTP ngày 02/6/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn Nghị định 158/2005/NĐ-CP: Khi đăng ký khai sinh, họ và quê quán của con được xác định theo họ và quê quán của người cha hoặc họ và quê quán của người mẹ theo tập quán hoặc theo thỏa thuận của cha, mẹ. Trong trường hợp đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không có quyết định công nhận việc nhận cha cho con, thì họ và quê quán của con được xác định theo họ và quê quán của người mẹ”. Thời điểm từ ngày 01/01/2016 đến nay, việc xác định quê quán trong giấy khai sinh thực hiện theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật hộ tịch năm 2014 “Quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.”.

Về vấn đề cải chính thông tin quê quán trong Giấy khai sinh đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền đã được Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định chi tiết, cụ thể:

Theo Điều 7 của Nghị định số 123/2015/NĐ-CP về điều kiện thay đổi, cải chính hộ tịch thì 2. Cải chính hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bn chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch.

Khoản 1,2 Điều 17 của Thông tư 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và
Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ
quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch quy định: “1. Việc cải chính hộ tịch chỉ được giải quyết sau khi xác định có sai sót khi đăng ký hộ tịch; không cải chính nội dung trên giấy tờ hộ tịch đã được cấp hợp lệ nhằm hợp thức hóa thông tin trên hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác.

2. Sai sót trong đăng ký hộ tịch là sai sót của người đi đăng ký hộ tịch hoặc sai sót của cơ quan đăng ký hộ tịch...”

Do đó, trường hợp người dân muốn đề nghị cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền (Phòng Tư pháp cấp huyện hoặc UBND cấp xã) giải quyết yêu cầu cải chính thông tin quê quán của mình (ví dụ: cải chính thông tin quê quán của con cho giống với cha, mẹ hoặc anh, chị, em ruột cho giống nhau…), thì trước tiên cần xác định được cụ thể có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc lỗi của người yêu cầu đăng ký hộ tịch. Đối với các thông tin được đăng ký đúng theo quy định của pháp luật về hộ tịch (tại thời điểm đăng ký), không có căn cứ chứng minh, xác định được sai sót thì không có cơ sở để giải quyết yêu cầu cải chính thông tin quê quán.

Trường hợp người dân gặp vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính khác thì cần phản ánh, kiến nghị với cơ quan thực hiện thủ tục hành chính hoặc liên hệ với Phòng Tư pháp hoặc Sở Tư pháp để được phối hợp, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị để thực hiện đúng quy định./.

                                                                   Nguyễn Minh Chí

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *